Anh ngồi ở đó, trong góc nhỏ căn phòng và buông từng phím đàn guitar một cách lặng lẽ, đầy suy tư. Chỉ là một khung hình nhỏ được thu bằng webcam với hai sắc màu trắng đen đơn điệu, chỉ là một âm thanh mộc từ YouTube lắm lúc cũng chập chờn... nhưng chẳng ai ngờ những điều giản dị ấy đang âm thầm trở thành một hiện tượng trên mạng.
Bruce Hoàng (Manchester, Anh) từng phải thốt lên: “Xa xứ du học từ thuở nhỏ nên mình từng nghĩ sẽ chỉ thích giai điệu R&B, hip hop... và chẳng bao giờ nghe qua nhạc của quê hương. Nhưng anh đã thay đổi điều đó...”.
Hà Minh Dzung bên những dòng thơ yêu thích -Ảnh: C.N. |
Người mà Bruce nhắc tới có nickname trên mạng là Tichduonghong.
Tôi là người Việt mà...
Đi tìm tay guitar đang làm rất nhiều kiều bào cũng như những người bạn nước ngoài bị mê hoặc vì các giai điệu Việt ngọt ngào, da diết thì tìm ra một giáo sư toán học! Tay guitar đang làm xao lòng nhiều người trên YouTube tên thật là Hà Minh Dzung, đang giảng dạy tại ĐH Ryerson (Canada).
Vượt qua những khó khăn khắc nghiệt ban đầu khi theo gia đình nhập cư ở Canada đầu thập niên 1980, cậu bé 12 tuổi tên Dũng (tên thật của anh) không hiếu động như bao đứa con trai khác, chỉ biết cặm cụi học và học để hi vọng cuộc đời mình mau thoát khỏi con số không tròn trĩnh trong mắt mọi người.
Những nỗ lực đó đã được đền đáp.
Hà Minh Dzung tốt nghiệp thạc sĩ rồi tiến sĩ toán học loại ưu tại Đại học Toronto với học bổng NSERC của Canada trong suốt thời gian học. Anh từng nằm trong nhóm đạt điểm số cao hàng đầu của cuộc thi giải toán Putnam dành cho sinh viên từ năm 1 tới năm 4 trên toàn Bắc Mỹ.
Sau khi ra trường, anh Dzung được mời làm giảng viên ở hầu hết các trường ĐH lớn nhất tại thành phố Toronto, và được bình chọn là một trong bốn giáo sư xuất sắc nhất trong năm 2005 của ban khoa học kỹ thuật ở Trường ĐH Ryerson. Một điểm son khác trong lý lịch nghề nghiệp của anh chính là cuốn sách A gentle introduction to functional analysis (NXB Matrix) được CHOICE (tạp chí uy tín của Mỹ chuyên viết những bài điểm sách cho các thư viện của ĐH ở Bắc Mỹ) chọn là một trong những quyển sách học thuật xuất sắc nhất trong năm 2007.
Bỏ qua bảng thành tích dài dằng dặc, điều khiến chúng tôi thật sự bất ngờ, thích thú là vốn tiếng Việt của anh vô cùng lưu loát, kể cả nói lẫn viết dẫu cơ hội sử dụng ngôn ngữ quê hương là không nhiều. Khi được hỏi làm sao bản thân có thể viết và đọc tiếng Việt (hai kỹ năng mà người Việt lớn lên ở nước ngoài thường yếu nhất) tốt như vậy, anh chỉ bật cười với câu trả lời rất mộc: “Vì tôi là người Việt mà...”.
Gảy đàn san sẻ thương yêu
“Từ ngày tôi xa quê hương tới bây giờ tính ra đã hơn 30 năm, mấy bận muốn về thăm mà cứ mải ngập đầu với công việc nên lại lần lữa” - anh tâm sự. Việc đi dạy, đọc và viết sách khiến anh thật sự không còn chút thời gian rỗi rảnh nào. Vì thế anh tìm đến tiếng đàn guitar để trút hết nỗi lòng thương nhớ quê nhà...
Tiếng lòng đó đã nhanh chóng được chia sẻ. Số lượng người xem các clip của anh trên YouTube với các bài Hạ trắng, Chiếc lá cuối cùng, Biển nhớ... đã nhảy lên con số hàng chục ngàn lượt chỉ trong thời gian ngắn. “Không ngờ một tay đàn nghiệp dư như tôi lại có thể khiến nhiều người quan tâm và trầm trồ đến thế, thật sự rất ngượng” - anh hóm hỉnh về sự nổi tiếng bất đắc dĩ của mình.
Theo dõi các lời bình sau mỗi clip của anh, chúng tôi như cảm nhận được ở đó không có những lời khen hoa mỹ, mà có chăng là những nỗi niềm đồng cảm của người đồng hương san sẻ ở phương xa. Nick Nhahoang đã viết: “Có những đêm vợ con đã ngủ say, ngồi một mình bên chai bia nghe tiếng đàn của anh để nhớ về một dĩ vãng xa xưa. Tiếng đàn của anh thật sự tuyệt diệu, thấm đẫm vào hồn từng nốt nhạc”, hay như JoshBB (người Mỹ): “Tôi thật sự bị nhạc Việt chinh phục qua tiếng đàn của anh...”.
Cảm nhận được những lời chân tình như thế, nên sau này mỗi khi được ai đó “đặt hàng” bất kỳ bài nào, anh cũng ráng sắp xếp thời gian để tìm và tập đàn cho thuần thục. “Tôi không sợ phí sức vì tiếng đàn mang lại niềm vui cho người khác mà còn giúp tôi... giàu có hơn về tinh thần. Việc tôi trau chuốt bài hát cũng là cách thể hiện sự trân trọng với dòng nhạc quê hương, với người đồng hương của mình” - anh Dzung tâm sự.
Điều khiến anh vui và tự hào nhất là có nhiều bạn trẻ gốc Việt sinh ra và lớn lên tại nước ngoài đã gửi thư cảm ơn. Anh hiểu rằng tiếng đàn của mình đã phần nào đem hình ảnh của quê hương đến gần với thế hệ trẻ hơn.
CÔNG NHẬT
0 Comment:
Đăng nhận xét